CHÂN GIÒ HEO CHIÊN GIÒN, THƠM NGON
Chia sẻ:

Chân giò heo hiện nay không chỉ còn được làm trong những món hầm mà còn xuất hiện nhiều cách chế biến khác khiến cho món ăn làm từ chân giò heo trở nên ngon hơn, cuốn hút hơn. Ví dụ như chân giò heo muối chua ngọt, chân giò heo luộc sốt tương, Giò heo giả cầy,chả giò heo, giò heo quay, … và với vị đặc biệt hơn nữa đó là món ăn: Giò heo chiên giòn. Với lớp da bên ngoài dai giòn, vàng ươm, bên trong thịt chân giò mềm mềm ăn cùng với cơm hoặc làm món nhậu lai rai cũng rất tuyệt.

Nguyên Liệu

  • 1 cái chân giò heo trước (tầm 1kg)
  • Tỏi: 1 củ
  • Hành tím: 3-5 củ
  • Sả: 5 cây
  • Ớt hiểm: 3 trái
  • Gia vị: Muối hột, đường, hạt nêm, tiêu sọ, dầu ăn, giấm, ngũ vị hương.
  • Tương ớt, tương đen, nước tương
  • Rau ăn kèm:  rau thơm, dưa cải chua, kim chi,…
  • Dụng cụ: Nồi hấp, chảo, cối chày, dây lạt (hoặc dây nilong), giấy bạc, xiên tre hoặc nĩa.

Cách chọn giò heo ngon

Bạn nên chọn những khối thịt giò trông rắn chắc, có màu sắc tự nhiên, tươi tắn, các thớ thịt đều có đường cắt khô ráo.

Thịt chân giò tươi ngon thường thì phần thịt sẽ có màu hồng tươi, không có mùi hôi tanh bất thường, khi dùng tay ấn vào thịt có độ đàn hồi.

Nên mua những khối thịt có phần móng còn nguyên vẹn không bị long ra.

Bạn không nên chọn chân giò bị ứ nước hoặc khi cắt thì có dịch màu vàng chảy ra vì đây là chân giò kém chất lượng.

Tránh chọn chân giò có dấu hiệu tím tái, xuất hiện những vết thâm đen bên ngoài da vì có thể đây là giò heo bị ôi thiu, khi dùng để chế biến món ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhưng với món chân giò chiên này bạn nên chọn chân giò trước nhé, vì thịt chân giò trước có ưu điểm đó là ngọt thanh hơn chân giò sau. Ngoài ra, do hoạt động nhiều hơn nên chân giò trước sẽ có nhiều gân và có nhiều thị nạc, ít mỡ hơn chân giò sau. Thế nên phù hợp với những món luộc, hấp và chiên hơn nhé.

Các bước tiến hành

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Chân giò mọi người chọn loại tươi ngon,sau khi mua về ngâm vào nước có pha chút muối và giấm, vừa ngâm vừa dùng dao cạo sạch lông và bụi bẩn bám quanh da heo.

Sau khi cạo sạch, mang chân giò đi rửa với nước nhiều lần rồi vớt ra để ráo.

Tỏi, hành tím bóc vỏ

Ớt hiểm rửa sạch bỏ cuống

Sả rửa sạch, tách bớt phần vỏ già bên ngoài.

Cho sả, tỏi ,hành tím, ớt hiểm, ½ muỗng café ngũ vị hương, 1 muỗng cafe tiêu sọ, 2 muỗng cafe đường, 2 muỗng cafe hạt nêm và 2 muỗng cafe muối hạt vào cối, rồi đem giã nhuyễn ra.

Sau đó đem giò heo rút xương đi và thoa đều hỗn hợp vừa giã vào cả mặt trong lẫn mặt ngoài của giò để thấm vị tầm 1 tiếng. Đồng thời, bạn hãy lấy dây lạt cột chặt cố định phần trên chân giò để thịt không bị bung ra nhé.

Bước 2: Hập chân giò

Chân giò sau khi ướp bạn dùng giấy bạc bọc thật kín, rồi đem đi hấp chín tầm 1 tiếng. Sau đó, bạn tháo giấy bạc ra để ráo, rồi lấy xiên tre (hoặc nĩa) xăm vào da chân giò. Xong thì bạn hòa tan 2 muỗng canh giấm và 1 muỗng cà phê muối hạt với nhau, rồi đem quết lên chân giò, đợi 15 phút quết thêm 1 lớp nữa rồi để cho chân giò khô ráo.

Không nên bỏ qua bước quết gia vị này, vì nếu không quết thì gia heo sẽ không phồng, không giòn.

Bước 3: Chiên chân giò

Bắc một chảo sâu lòng rồi cho dầu ăn vào khoảng 1/3 chảo, đun cho dầu nóng sôi, bạn hãy nhẹ nhàng thả chân giò vào chiên ngập dầu, chú ý dùng thìa hoặc đũa cán dài để thả thịt để tránh tình trạng bị bỏng do mỡ bắn ra. Khi chiên hãy xối dầu đều khắp các mặt để giò heo được chín đều, chiên chân giò ở lửa vừa khoảng 10 phút là giò heo vàng đều thì vớt ra để ráo.

Sau đó, bạn bật lửa lớn lên cho dầu thật nóng, rồi cho chân giò vừa chiên vào đảo thật nhanh, xối dầu đều khoảng 2 phút tới khi phần da heo phồng giòn nhiều hạt lên thì vớt ra. (Khi xối dầu lần 2 này, bạn cần để dầu thật nóng và xối liên tục nhanh tay để da heo bung giòn. Còn không thì chúng sẽ bị chai và không được giòn đấy.)

Cho chân giò heo chiên giòn ra rổ để nó thoát bớt dầu ra, sau đó dùng thớt và dao sắc để thái thành từng miếng lát vừa ăn, rồi bày ra đĩa và có thể trang trí các hình hoa hay lá mà bạn thích để món ăn thêm phần hấp dẫn hơn.

Bước 4: Làm nước sốt chấm giò heo chiên

Cho 3 muỗng canhh nước tương, 1 muỗng canh tương đen, 1 muỗng canh tương ớt, ½ muỗng canh đường rồi khuấy đều.

Đặt chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo rồi đun nóng cho hành khô và tỏi băm vào phi thơm. Khi hành tỏi dậy mùi thì cho phần sốt pha sẵn vào khuấy đều đến khi sốt sôi thì tắt bếp.

Đổ sốt ra chén nếu ăn cay có thể cắt thêm 1 trái ớt hiểm vào chén sốt nhé.

Thành phẩm

Món ăn sau khi hoàn thành nhìn vô cùng hấp dẫn. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được lớp da giòn rụm như tan ngay trong miệng. Còn phần thịt bên trong thì không hề bị khô, vẫn giữ nguyên vẹn độ ẩm, mềm, thấm vị đậm đà. Bạn có thể dùng kèm chân giò với rau thơm cải chua, kim chi,… để tăng thêm hương vị nhé.