Hiện nay, nền kinh tế với các sản phẩm được sản xuất thông qua hình thức trang trại được xem là xu hướng phát triển tất yếu để thúc đẩy sự phát triển hiệu quả và bền vững của nông nghiệp nông thôn. Mô hình Vườn Ao Chuồng và các biến thể như Vườn Ao Chuồng Ruộng, Vườn Ao Chuồng Rừng, Vườn Ao Hồ… đã được rất nhiều địa phương trên cả nước áp dụng triển khai và thu được hiệu quả canh tác rất lớn, qua đó đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ nông dân.
Với mục đích cung cấp thêm thông tin về chi phí và cách xây dựng một trang trại theo mô hình Vườn Ao Chuồng, chúng tôi đã tham khảo thông tin từ nhiều nguồn và tổng hợp trong bài viết dưới đây, mời bà con cùng theo dõi!
Đôi nét về mô hình Vườn Ao Chuồng (VAC)
Mô hình Vườn Ao Chuồng hay thường được viết tắt là VAC là một mô hình trang trại quen thuộc của các hộ nông dân nước ta. Trong đó Vườn mang ý nghĩa để chỉ hoạt động trồng trọt trong vườn nhà, trên cánh đồng, trên nương rẫy hay mở rộng cho trồng trong rừng. Ao mang ngụ ý ám chỉ các hoạt động nuôi trồng thủy sản trong ao hồ, sông suối hay biển với các loại vật nuôi dưới nước như cá, tôm, cua, ếch, rùa, baba… Chuồng là biểu tượng của hoạt động chăn nuôi các gia súc gia cầm như lợn, bò, gà, vịt, dê, cừu… trong các trang trại.
Vườn – Ao – Chuồng, ba yếu tố chính của mô hình trang trại Vườn Ao Chuồng không những cùng xuất hiện trong quy mô của một trang trại mà còn có quan hệ rất khăng khít với nhau. VAC là một mô hình thâm canh sinh học cao, tạo nên một hệ thống canh tác tổng thể, tận dụng hiệu quả tài nguyên về đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời nhằm giúp người nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp, đồng thời góp phần làm giảm thiểu tối đa những vấn đề về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh.
Chi phí đầu tư trang trại mô hình VAC
Để tính toán được chi phí đầu tư cho một trang trại mô hình Vườn Ao Chuồng cần phải cân nhắc đến yếu tố quy mô lớn hay nhỏ, dài hạn hay ngắn hạn, vậy nên thay vì đưa ra một con số cụ thể, chúng tôi có thể giúp bà con hình dung ra bức tranh toàn cảnh các chi phí cần thiết để bà con có thể tự giải bài toán xây dựng trang trại của chính mình.
Nhìn chung, các hạng mục cần phải đầu tư để xây dựng nên một trang trại đúng chuẩn VAC bao gồm:
– Chi phí xây dựng và lắp đặt: Bao gồm chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại, kho thức ăn, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý phân, chi phí xây dựng hàng rào và xây dựng khu vực quản lý kinh doanh…
– Chi phí máy móc thiết bị: Bao gồm chi phí bỏ ra để mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như máy trộn thức ăn, máy bơm nước, máy phát điện, máy cày, máy kéo, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
– Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: Bao gồm các chi phí để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án, chi phí tổ chức chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng, chi phí tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình, chi phí tư vấn lập dự án đầu tư, chi phí thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công…
– Chi phí mua con/cây giống: Bao gồm chi phí bỏ ra để mua và vận chuyển cây giống/con giống đến trang trại để gieo trồng hoặc chăn nuôi.
– Chi phí nhân công: Bao gồm chi phí dùng để trả lương cho người làm trong trang trại
– Chi phí hoạt động: Bao gồm chi phí bảo hiểm cho nhân viên, chi phí thức ăn cho gia súc/gia cầm/thủy cầm, chi phí phân bón cho cây, chi phí điện, chi phí bảo trì máy móc thiết bị…
– Chi phí khác: Bao gồm các chi phí không cần thiết không thuộc chi phí xây dựng, chi phí bảo hiểm, chi phí kiểm toán, chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…
– Chi phí dự phòng: Bằng 10% tổng các chi phí khác cộng lại
Cách xây dựng trang trại mô hình VAC
Để xây dựng được một trang trại theo mô hình VAC cho hiệu quả cao, bà con cần lưu ý 5 bước trong khâu xây dựng rất quan trọng, bao gồm:
– Thiết kế tổng thể trang trại: Thiết kế tổng thể chính là xác định quy hoạch tổng thể của trang trại sao cho phân bố các nguồn tài nguyên về đất đai, nước tưới tiêu một cách hợp lý thông qua bản thiết kế chi tiết của cả ba khu vực Vườn – Ao – Chuồng. Bà con cũng cần xác định được giống cây/vật nuôi muốn trồng/chăn nuôi, chủng loại của cây/con giống cần mua và số lượng của từng loại. Ngoài ra, xác định được thời vụ gieo trồng/thả cá, lên kế hoạch mua con giống, vật tư, dụng cụ cần thiết để xây dựng trang trại cũng là những điều cần phải thực hiện.
– Xây dựng hệ thống đường xá và hàng rào bảo vệ: việc xây dựng hệ thống đường xá phụ thuộc vào các yếu tố như quy mô của trang trại, khả năng cơ giới hóa, nhu cầu vận chuyển của sản phẩm… Nếu trang trại có quy mô lớn, có nhu cầu sử dụng các phương tiện cơ giới hóa thì cần có đường xá đủ lớn để xe cộ máy móc đi qua. Nếu trang trại quy mô nhỏ, chỉ vận chuyển bằng phương tiện thô sơ thì đường đi lại chỉ cần xây dựng nhỏ hoặc vừa đủ dùng. Hàng rào bảo vệ có thể làm từ cây cối tự nhiên hay xây tường, lưới sắt kiên cố cũng tùy vào nhu cầu và điều kiện cụ thể của từng trang trại.
– Xây dựng ao: Bà con cần xác định kiểu và dạng ao nuôi thủy cầm để phù hợp với địa hình và quy mô sản xuất. Bà con có thể xây dựng ao đơn hoặc hệ thống ao nối liền nhau như: ao chuỗi, ao song song hoặc ao xen giữa các luống với các độ sâu mặt nước khác nhau và kích thước ao tuỳ thuộc vào mục đích sản xuất, loại cá nuôi và quỹ đất sẵn có.
– Xây dựng chuồng trại chăn nuôi: Bà con cần thiết kế chuồng trại được đặt ở vị trí sao cho đảm bảo vệ sinh, không ảnh hưởng đến khu dân cư và dễ tưới tiêu vệ sinh chuồng. Chuồng trại có thể đặt cạnh ao, trên ao hoặc dưới tán cây trong vườn với kích thước phu thuộc vào số lượng vật nuôi và con giống. Thiết kế chuồng trại cần chú ý chỗ ủ phân. Chuồng phải có máng ăn và chỗ đựng nước uống
– Xây dựng vườn cây: Sau khi bà con đã xây dựng cơ bản xong khu vực chuồng trại và khu vực ao thì sẽ đến giai đoạn xây dựng vườn cây, gồm các công việc như phân chia lô thửa và vị trí trồng các loại cây trong vườn, chia cây định trồng thành cây hàng năm và cây lâu năm, lên kế hoạch trồng xen, trồng gối các loài cây khác nhau trong vườn, lên luống, đào hố để trồng cây và triển khai chế độ canh tác cho từng loại cây trong vườn.